Tại sao sinh viên các trường ĐH khối kỹ thuật lại làm đồ án tốt nghiệp - Kỳ một “Bức tranh toàn cảnh”

03/04/2022 - Lượt xem: 1027

Tại sao sinh viên các trường ĐH khối kỹ thuật lại làm đồ án tốt nghiệp - Kỳ một “Bức tranh toàn cảnh”

Đồ án tốt nghiệp là gì?

Nếu bạn có anh hay chị học các trường Đại học khối kỹ thuật, chắc hẳn ít nhất một lần bạn được nghe họ kể về việc làm Đồ án tốt nghiệp. Kèm theo đó luôn là những câu chuyện ly kỳ về những khó khăn vất vả những cơ cực và họ đã vượt qua nó ra sao với sự hãnh diện thể hiện rõ trong ánh mắt.

Vậy đồ án tốt nghiệp là gì, tại sao nó luôn được đánh giá là một trong những bước ngoặt quan trọng nhất của các bạn sinh viên. Chúng ta có thể hình dung nó như một dự án thu nhỏ, trong đó bạn sẽ nghiên cứu chuyên sâu về một chủ đề trong chuyên ngành mà mình đã học, đưa ra ý tưởng, thiết kế, chế tạo hoàn thành sản phẩm của riêng mình. Sản phẩm có thể là một bài luận, một mô hình máy móc, chương trình phần mềm... có thể hoạt động khá ổn định và chính xác như những hệ thống thật trong nhà máy xí nghiệp.

Những trường Đại học có truyền thống đào tạo như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Công nghiệp Việt - Hung đều rất chú trọng đến việc đầu tư cho sinh viên làm đồ án tốt nghiệp. Sinh viên được sử dụng mọi nguồn lực của nhà trường như phòng thí nghiệm, phòng thực hành, máy móc trang thiết bị, thư viện… Đồng thời mỗi sinh viên khi làm đồ án tốt nghiệp đều có một giảng viên hướng dẫn, chỉ dẫn hướng nghiên cứu, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình làm đồ án tốt nghiệp.Media/2_TSVIU/FolderFunc/202204/Images/221-20220403041520-e.jpg

Ảnh: Sinh viên Đại học Công nghiệp Việt Hung sử dụng phòng thí nghiệm để làm đồ án tốt nghiệp

Những ai được làm đồ án tốt nghiệp? Theo quy định chung của bộ GD ĐT, những sinh viên có kết quả học tập toàn khóa đạt loại khá giỏi trở lên sẽ được làm Đồ án tốt nghiệp.

Các em sẽ chủ động tìm kiếm ý tưởng, hoặc tham khảo Giáo viên chủ nhiệm, Cố vấn học tập để đưa ra đề tài mà mình muốn nghiên cứu. Một đồ án tốt nghiệp sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian 3 đến 5 tháng. Tính từ khi được duyệt đề cương nghiên cứu, và bao gồm quá trình tìm kiếm tài liệu, thiết kế, chế tạo sản phẩm, viết báo cáo cho đến buổi bảo vệ đánh giá kết quả Đồ án tốt nghiệp.

Nhiều bạn thắc mắc rằng, thế việc làm Đồ án tốt nghiệp có vất vả không? Hầu hết Sinh viên sau khi trải qua quá trình làm Đồ án tốt nghiệp đều khẳng định rằng đó là một quá trình thực sự rất gian nan, đòi hỏi sự tập trung cao độ và những nỗ lực không ngừng.

Vậy tại sao lại chúng ta cần phải làm Đồ án tốt nghiệp?

Cách đây chừng 10 năm, có một cậu sinh viên năm cuối than thở với tôi: “ Em thấy mình học rất nhiều môn học, những môn học rất hay, nhưng học xong rồi lại chuyển qua môn khác dường như không có mấy sự liên quan đến nhau, và đến tận bây giờ, em vẫn thấy có vẻ rất mơ hồ, chưa thể hệ thống hóa được toàn bộ chương trình mình đã học”

Tôi trả lời em rằng, đó là câu chuyện về “ Bức tranh toàn cảnh”. Em không có gì phải hoang mang hết, đó là quá trình mà hầu hết sinh viên sẽ phải trải qua!

Chắc bạn có biết một trò chơi nổi tiếng trên truyền hình, ở đó có một bức tranh bị che bởi nhiều miếng ghép, các miếng ghép sẽ lần lượt được bỏ đi để lộ một phần của bức tranh, các mảnh ghép được gỡ ra không liền mạch, và chúng ta sẽ rất khó hình dung ra được bức tranh lớn đằng sau là gì. 

Việc học của chúng ta cũng vậy, chúng ta buộc phải học từng phần một, không thể học tất cả mọi thứ cùng lúc. Trong quá trình học đó chúng ta đôi khi sẽ thấy mơ hồ. Và đồ án tốt nghiệp, chính là một cơ hội tuyệt vời để bạn quan sát lại tất cả các mảnh ghép, chắp nối chúng lại với nhau, tìm ra được mối tương quan giữa chúng. Và rồi, òa! Bạn đã có được “ BỨC TRANH TOÀN CẢNH”. Bạn nhìn thấy thật rõ ràng và sáng tỏ về toàn bộ chương trình học của mình.

Media/2_TSVIU/FolderFunc/202204/Images/664-20220403041521-e.jpgTại sao Đồ án tốt nghiệp lại giúp bạn được điều đó?

Đó là vì để hoàn thành được một đồ án tốt nghiệp, bạn không thể chỉ dựa vào nội dung của một, hai hay ba môn học, bạn sẽ phải lục lại, phải tìm kiếm tài liệu, kiến thức của rất nhiều các môn học khác nhau, những môn từ năm nhất năm hai, đến những môn chuyên ngành năm cuối. Rồi lại phải tìm cách lựa chọn, ghép nối chúng với nhau, để cho ra được sản phẩm hoàn chỉnh. Và nhờ vậy bạn sẽ có được cái nhìn bao quát rõ ràng về chuyên ngành mà mình đã theo học – một “Bức tranh toàn cảnh” – Đó là bước đột phá vô cùng quan trọng giúp bạn dễ dàng có được công việc tốt ngay khi ra trường.

                                                                                   Thầy Đỗ Quang Hưng - Giảng viên khoa Điện - Điện tử