Vòng tròn IKIGAI - chìa khóa vàng giúp học sinh chọn đúng ngành nghề phù hợp

07/04/2022 - Lượt xem: 1019

VÒNG TRÒN IKIGAI- CHÌA KHÓA VÀNG GIÚP HỌC SINH CHỌN ĐÚNG NGÀNH NGHỀ PHÙ HỢP

Hẳn là ai đó cũng đã từng chạm đến ngưỡng cửa kết thúc mười hai năm đèn sách với biết bao lo toan, một là kiến thức, hai là điểm số, ba là ngã rẻ cuộc đời. Ở thời điểm quan trọng này, chúng ta không tránh khỏi sự hối hả, vội vàng và đôi chút hấp tấp. Nhà trường thì tổ chức toạ đàm tư vấn hướng nghiệp, học sinh và phụ huynh thì sôi nổi việc chọn nghề, chọn trường, nào là việc nhẹ, nào là lương cao… Những nỗi lo, nỗi băn khoăn, cả sự mệt mỏi hiện diện trên từng khuôn mặt của thế hệ chia tay mái trường và cả thế hệ làm cha làm mẹ. Và chúng ta đã hành động đúng, hay chính xác hơn là đúng một phần vì chúng ta biết đây là thời khắc quan trọng, nhưng lại không đúng một phần vì hầu hết chúng ta chọn ngành, chọn nghề không khoa học, không có cơ sở xác thực.

Ở Việt Nam, chúng ta không có một khái niệm căn bản nào về ngành, nghề và chọn ngành chọn nghề, điều mà nền giáo dục các nước khác đã định hướng cho học sinh từ rất sớm. Chúng ta chỉ định hướng khi “nước đã đến chân”, không chuyên nghiệp và bài bản. Học sinh giỏi, học sinh xuất sắc hoặc học kha khá một chút thì bác sĩ, kĩ sư, cử nhân… lại còn phải trường hot (xịn xịn) bất chấp ngành nghề. Gia đình nào có điều kiện về tài chính sẽ cho con đi du học với ý nghĩ nhanh chóng thành đạt. Điều này có thực sự phù hợp? Mục đích để thoả mong ước, thoả cái tôi sĩ diện của các bậc làm cha làm mẹ, hay chỉ để con em sau này có cái nghề kiếm ăn vì suốt thời trai trẻ nó không được học hành đàng hoàng? Bao nhiêu con người có thể chắc chắn rằng nghề này, trường này là do chính lí trí của bản thân chọn? Vẫn lặp đi lăp lại câu trả lời chung chung là “vì tôi thích, vì dễ xin việc làm, vì ngành này “hot”, vì nghề này lương cao…

Để tìm hiểu sâu hơn về cách chọn nghề phù hợp, chúng ta phải hiểu những khái niệm cơ bản thật chặt chẽ. Đầu tiên chúng ta phải biết được khái niệm công việc là gì? Công việc là tập hợp một số thao tác, động tác để hoàn thành một nhiệm vụ cụ thể nào đó, tập hợp nhiều công việc trong cùng một lĩnh vực hẹp lại với nhau, thì nó thành nghề. Để làm được nghề thì chúng ta phải có những kiến thức, kĩ năng để hoàn thành các tập hợp công việc của nghề đó. Và nghề đó mang lại một giá trị cho xã hội và giá trị cho chính bản thân người làm nghề, tức hiểu nôm na một cách căn bản nhất là tạo ra sản phẩm cho xã hội và mang lại thu nhập cho bản thân. Vậy giờ thì các bạn đã hiểu vì sao nên hướng nghề chứ không phải hướng nghiệp chưa? Muốn một nghề thành nghiệp của bản thân, trước tiên nghề đó phải nuôi được chúng ta rồi mới nuôi được nghiệp.

Vậy chúng ta hướng nghề bằng cách nào? Hãy quan sát vòng tròn IKIGAI sau.

Media/2_TSVIU/FolderFunc/202204/Images/ikigai-20220407113013-e.jpg

Có ba thành tố quan trọng mà mỗi người cần phải xác định trước khi chọn cho mình một nghề. Đầu tiên là sư yêu thích nghề đó. Yêu nghề là thích từng thao tác nghề, thích cả cái môi trường và những mối quan hệ bạn sẽ tiếp xúc, thậm chí bạn phải xem công cụ hành nghề của bạn như là món quà của cuộc đời, xem thời gian làm việc là một phần của cuộc sống… Lúc đó, bạn đã hoàn thành được một nhân tố.

Nhân tố thứ hai, rất quan trọng và gần như hầu hết chúng ta bỏ qua, hay nói đúng hơn là không đủ hiểu biết để đề cập đến. Đó là sự phù hợp với nghề. Có những người sinh ra sẽ hợp để làm nghề này, nhưng không hợp với nghề kia, họ có tay chăn nuôi, trồng trọt, họ có năng khiếu vẽ…Đó chính là điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, và nói đến đây chúng ta phải hiểu rằng trước khi chọn nghề, cần ngồi lại, phân tích bản thân chúng ta một cách thấu đáo: giỏi việc gì? không giỏi việc gì? tính cách như thế nào? khí chất con người ra sao? Ví dụ như bạn là một người rất thiếu sự tỉ mỉ và thận trọng, thì liệu rằng bạn có thể trở thành một kế toán giỏi hay một nhân viên hành chính xuất sắc? Nếu bạn không có năng khiếu vẽ hoặc không có một tầm nhìn thẩm mỹ thì bạn có dám khẳng định sự thành công khi đi theo con đường kiến trúc sư hoặc một nhà thiết kế thời trang? Bạn là một con người không có sự kiên định, thiếu quyết đoán thì bạn có thể trở thành nhà lãnh đạo tài ba không? Rất nhiều người sẽ phản bác lại rằng, tôi sẽ học hỏi, tôi sẽ rèn luyện. Bạn rèn luyện đến bao giờ? Và khi nào thì bạn sẽ thành công với cái nghề đó, liệu có nhanh hơn những người có tố chất sẵn trong người? Tại sao bạn không theo con đường mà có điểm mạnh của bạn làm lợi thế? Một nghiên cứu chỉ ra rằng, khi bạn cố gắng khắc phục những điểm yếu trong cả quãng đời, thì bạn chỉ đạt được mức kì vọng là trung bình, thay vì vậy, khi bạn hoàn thiện hơn những điểm mạnh, bạn chỉ mất một nửa quãng đời để đạt đến đẳng cấp bậc thầy.

Nhân tố thứ ba, quan trọng không kém, đó là giá trị, giá trị có thể hiểu theo hai chiều hướng, mang lại lợi ích cho xã hội, và mang lại lợi ích cho cá nhân, và dĩ nhiên hai lợi ích này bắt buộc phải đi song song. Một nghề tạo ra giá trị cho xã hội, tạo ra của cải, vật chất và tinh thần cho xã hội tất sẽ được xã hội đón nhận, thì mặc nhiên tiền bạc và của cải sẽ đổ dồn về người tạo ra nó, tiền bạc của cải đó có thể nuôi sống bản thân chúng ta và quan trọng hơn hết nó nuôi chính cái nghiệp mà bản thân ta luôn đam mê, nuôi luôn cả những giá trị được tạo ra cho xã hội.

Media/2_TSVIU/FolderFunc/202204/Images/cong-nghe-ky-thuat-dien-dien-tu-20220407111709-e.jpg

 

Dù là nữ vẫn chọn ngành điện, điện tử nhé

Tất cả trên đây là lí thuyết ngắn gọn về hướng nghiệp, nhưng nó là căn bản nhất, để các bạn có thể dễ dàng chọn cho mình một nghề nghiệp phù hợp với mong muốn đồng thời tạo ra giá trị cho xã hội.

Trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung với đội ngũ giảng viên nhiệt tình sẵn sàng tư vấn và hướng nghiệp giúp bạn chọn được ngành, nghề phù hợp. Hãy liên hê với chúng tôi để được tư vấn.

Hình ảnh về nhà trường

                                                                                       Giảng viên Nguyễn Thị Bình - Khoa học Cơ bản